Tuyến sông Hồng được coi là tuyến giao thông vận tải đường thủy huyết mạch của miền Bắc, có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn. Được thiên nhiên ưu đãi nên sông Hồng có nguồn lợi thủy sản dồi dào, có nhiều phương tiện làm nghề chài lưới trên sông đã hình thành nhiều bến phà, bến đò (bến Văn Nhân, Văn Đức; bến Dấp, bến vườn chuối…), đặc biệt các "làng chài" tập trung ở các khu vực các như làng chài Bá Giang, thuộc huyện Đan Phượng, Võng La (thuộc Đông Anh), làng chài Ngọc Thụy (thuộc quận Long Biên)... Nhiều làng chài giờ là trong ký ức, bởi họ đã được cấp đất, lên bờ dựng cửa, làm nhà sinh sống ổn định. Hiện trên tuyến sông Hồng không còn nhiều làng chài “khua nước ven sông”, do cơ cấu chuyển dịch cơ học về dân số.
Tuy nhiên, tại xã Vạn Điểm, Phú Xuyên, Hà Nội, vẫn tồn tại làng chài Tân Dân. Tuy chỉ có 62 nhân khẩu, nhưng họ thuộc dân tứ xứ, dạt về và chụm vào thành một làng chài nhỏ bên sông Hồng. Việc tiếp cận và hiểu về pháp luật của bà con làng chài còn khá hạn chế.
Đến với bà con làng chài Tân Dân, bến đò Văn Nhân, Văn Đức, bến Dấp, bến vườn chuối… trên tuyến sông Hồng, tổ công tác đã trực tiếp vận động, tuyên truyền về đường lối, quan điểm của Đảng về xây dựng thế trận An ninh nhân dân và bảo vệ Tổ quốc; các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm; thông tin, cảnh báo phương thức, hành vi vi phạm pháp luật nảy sinh trong thời điểm dịch bệnh, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an ninh an toàn, lợi dụng dịch bệnh lôi kéo quần chúng gây rối an ninh trật tự xã hội… Đồng thời hướng dẫn cho bà con một số phương pháp phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, tích cực tham gia xây dựng phong trào bảo vệ An ninh Tổ quốc.
Đồng thời, tổ công tác chú trọng phổ biến về tình hình TTATGT đường thủy, các quy định của pháp luật về TTATGT như: Luật giao thông đường thủy nội địa; Nghị định 132/2015/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa; các quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa…Cảnh báo về tình hình trật tự an toàn giao thông, các đoạn, tuyến sông mất an toàn giao thông, có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông; nguyên nhân và hậu quả do tai nạn giao thông gây ra, một số lỗi vi phạm là nguyên nhân gây mất trật tự an toàn giao thông đường thủy; một số kỹ năng tham gia giao thông đường thủy an toàn cho bà con làng chài, người dân tham gia giao thông tại bến đò, phà cũng như kỹ năng điều khiển phương tiện tham gia giao thông an toàn; kỹ năng phòng tránh tai nạn và sử dụng áo phao, dụng cụ nổi đúng cách và an toàn; cách phòng chống đuối nước và kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu đối với người bị nạn do đuối nước. Ðặc biệt, vận động nhân dân làm tốt công tác đăng ký, quản lý nhân hộ khẩu, vận động người dân làng chài giao nộp các vũ khí vật liệu nổ tự tạo cho lực lượng Công an và chính quyền địa phương.
Đơn vị cũng đã tổ chức ký cam kết đến 100% các thành viên trong làng chài không vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường thủy. Người dân làng chài cũng nêu cao ý thức trách nhiệm trong công tác đảm bảo an ninh trật tự trên tuyến sông Hồng. Thông qua công việc chài lưới hàng ngày trên sông, người dân đã phát hiện, cung cấp cho lực lượng Công an nhiều nguồn tin có giá trị liên quan đến công tác đảm bảo an ninh trật tự trên tuyến giao thông thủy... đồng thời bảo vệ an toàn hệ thống phao tiêu, biển báo hiệu giao thông đường thủy nội địa.

Thông qua các buổi tuyên truyền trực tiếp, Thủy đoàn I, Cục CSGT đã phát hàng trăm áo phao cho bà con nhân dân làng chài Tân Dân, các bến đò, bến phà trên tuyến sông Hồng.
Lê Lâm